Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán phản ánh chi phí sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ. Việc hạch toán chính xác tài khoản này giúp xác định được lợi nhuận thực tế, từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Kế toán kiểm toán thuế ACC sẽ hướng dẫn chi tiết về tài khoản 632 theo đúng quy định hiện hành.
Hướng dẫn sổ cái tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
1. Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán là gì?
Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán là tài khoản dùng để ghi nhận chi phí trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hoặc mua hàng hóa bán ra trong kỳ. Nó phản ánh tổng chi phí của hàng hóa hoặc sản phẩm đã bán trong kỳ kế toán, bao gồm chi phí nguyên liệu, nhân công, và các chi phí sản xuất khác.
Vai Trò của Tài Khoản 632: Tài khoản 632 đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị hàng hóa đã bán, từ đó tính toán được lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để tính toán hiệu quả sản xuất kinh doanh và giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định về giá bán, chiến lược sản xuất và cắt giảm chi phí. Ngoài ra, tài khoản này còn hỗ trợ trong việc lập báo cáo tài chính chính xác và minh bạch, từ đó giúp các nhà quản lý đánh giá đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
2. Nguyên tắc kế toán tài khoản 632 – Giá vốn bán hàng
Căn cứ theo Điều 89, Thông tư 200/2014 Nguyên tắc kế toán tài khoản 632:
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bất động sản đầu tư; giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp (đối với doanh nghiệp xây lắp) bán trong kỳ. Ngoài ra, tài khoản này còn dùng để phản ánh các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư như: Chi phí khấu hao; chi phí sửa chữa; chi phí nghiệp vụ cho thuê BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động (trường hợp phát sinh không lớn); chi phí nhượng bán, thanh lý BĐS đầu tư…
b) Trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, khi chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ, chứng từ về các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản nhưng đã phát sinh doanh thu nhượng bán bất động sản, doanh nghiệp được trích trước một phần chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán. Khi tập hợp đủ hồ sơ, chứng từ hoặc khi bất động sản hoàn thành toàn bộ, doanh nghiệp phải quyết toán số chi phí đã trích trước vào giá vốn hàng bán. Phần chênh lệch giữa số chi phí đã trích trước cao hơn số chi phí thực tế phát sinh được điểu chỉnh giảm giá vốn hàng bán của kỳ thực hiện quyết toán. Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
– Doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình trong kỳ.
– Doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần bất động sản đã hoàn thành, được xác định là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu.
– Số chi phí trích trước được tạm tính và số chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).
c) Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được tính vào giá vốn hàng bán trên cơ sở số lượng hàng tồn kho và phần chênh lệch giữa giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá gốc hàng tồn kho. Khi xác định khối lượng hàng tồn kho bị giảm giá cần phải trích lập dự phòng, kế toán phải loại trừ khối lượng hàng tồn kho đã ký được hợp đồng tiêu thụ (có giá trị thuần có thể thực hiện được không thấp hơn giá trị ghi sổ) nhưng chưa chuyển giao cho khách hàng nếu có bằng chứng chắc chắn về việc khách hàng sẽ không từ bỏ thực hiện hợp đồng.
d) Khi bán sản phẩm, hàng hóa kèm thiết bị, phụ tùng thay thế thì giá trị thiết bị, phụ tùng thay thế được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.
đ) Đối với phần giá trị hàng tồn kho hao hụt, mất mát, kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản bồi thường, nếu có).
e) Đối với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tiêu hao vượt mức bình thường, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá trị sản phẩm nhập kho, kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản bồi thường, nếu có) kể cả khi sản phẩm, hàng hóa chưa được xác định là tiêu thụ.
g) Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn hàng bán.
h) Các khoản chi phí không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
3. Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 632 – Giá vốn bán hàng
Căn cứ theo Điều 89 Thông tư 200/2014, Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán đươc thể hiện trong các trường hợp dưới đây:
3.1. Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
Bên Nợ:
+ Đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh, tài khoản 632 ghi nhận:
- Giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ trong kỳ;
- Chi phí nguyên liệu, nhân công vượt mức bình thường, và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá vốn hàng bán trong kỳ;
- Hao hụt, mất mát hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân;
- Chi phí xây dựng, tự chế tài sản cố định hữu hình không được tính vào nguyên giá;
- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa dự phòng phải lập năm nay và số dự phòng chưa sử dụng năm trước).
+ Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, ghi nhận:
- Khấu hao bất động sản đầu tư trong kỳ;
- Chi phí sửa chữa, nâng cấp bất động sản đầu tư không tính vào nguyên giá;
- Chi phí phát sinh từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư;
- Giá trị còn lại của bất động sản đầu tư bán hoặc thanh lý;
- Chi phí phát sinh từ nghiệp vụ bán, thanh lý bất động sản đầu tư.
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán sang Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”;
- Kết chuyển toàn bộ chi phí bất động sản đầu tư để xác định kết quả hoạt động kinh doanh;
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa dự phòng phải lập năm nay và số đã lập năm trước);
- Giá trị hàng bán bị trả lại nhập kho.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
3.2. Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
– Đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại:
Bên Nợ:
- Giá vốn của hàng hóa đã xuất bán trong kỳ;
- Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa dự phòng phải lập năm nay và số đã lập năm trước chưa sử dụng).
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn hàng hóa gửi bán nhưng chưa được xác định là tiêu thụ;
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa dự phòng phải lập năm nay và số đã lập năm trước);
- Kết chuyển giá vốn hàng hóa đã xuất bán vào bên Nợ Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
– Đối với doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ:
Bên Nợ:
- Giá vốn của thành phẩm tồn kho đầu kỳ;
- Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa dự phòng phải lập năm nay và số đã lập năm trước chưa sử dụng);
- Giá vốn của thành phẩm sản xuất hoàn thành và dịch vụ đã hoàn tất.
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ Tài khoản 155 “Thành phẩm”;
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa dự phòng phải lập năm nay và số đã lập năm trước);
- Kết chuyển giá vốn thành phẩm đã xuất bán, dịch vụ đã hoàn thành vào bên Nợ Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
4. Hướng dẫn hạch toán tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chi phí trực tiếp liên quan đến sản xuất và bán hàng hóa của doanh nghiệp. Hạch toán chính xác tài khoản này giúp doanh nghiệp theo dõi và kiểm soát chi phí, từ đó tính toán được lợi nhuận gộp và cải thiện chiến lược tài chính. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách hạch toán tài khoản 632 để đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
4.1. Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
– Khi xuất bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 154; 155; 156; 157…
– Chi phí phát sinh được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán:
+ Khi sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường, kế toán cần xác định và ghi nhận chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được vào giá vốn hàng bán:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
- Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung
+ Các khoản hư hỏng, hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 152; 153; 156; 138…
– Hạch toán trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho:
+ Nếu số dự phòng phải lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước, trích lập bổ sung phần chênh lệch:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 299 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho)
+ Nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã lập kỳ trước, hoàn nhập lại phần chênh lệch:
- Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
– Hàng bán bị trả lại nhập kho:
+ Khi hàng xuất bán bị trả lại đưa về nhập kho, ghi nhận giảm giá vốn:
- Nợ TK 156; 155
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
– Các hoạt động liên quan đến kinh doanh bất động sản đầu tư:
+ Trích khấu hao bất động sản đầu tư cho thuê theo định kỳ:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ
+ Chi phí liên quan đến bất động sản đầu tư nhưng không đủ điều kiện để đưa vào nguyên giá của bất động sản đó:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu đưa ngay vào chi phí)
- Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (nếu phải phân bổ dần)
- Có TK 111; 112; 152; 153; 334…
+ Chi phí liên quan đến việc cho thuê bất động sản đầu tư:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 111; 112; 331; 334…
+ Khi bán, thanh lý bất động sản đầu tư sẽ ghi giảm nguyên giá và giá trị còn lại của bất động sản:
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147 – Giá trị hao mòn của bất động sản đầu tư)
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Giá trị còn lại của bất động sản đầu tư)
- Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (Nguyên giá của bất động sản đầu tư)
+ Các chi phí phát sinh khi bán, thanh lý bất động sản đầu tư:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
- Có TK 111; 112; 331…
– Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng:
+ Kế toán cần phân bổ số chiết khấu, giảm giá dựa vào tình hình biến động của hàng tồn kho:
- Nợ TK 111; 112; 331… (Số tiền chiết khấu theo hóa đơn)
- Có TK 152; 153; 154; 155; 156… (Giá trị phần chiết khấu của số hàng tồn kho chưa xuất bán)
- Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (Giá trị phần chiết khấu của số hàng tồn kho đã xuất dùng cho đầu tư xây dựng)
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (Giá trị phần chiết khấu của số hàng tồn kho đã tiêu thụ)
– Kết chuyển giá vốn hàng bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bất động sản đầu tư đã bán trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh của kỳ đó:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
4.2. Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
– Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thương mại:
+ Đầu kỳ, kết chuyển giá trị của thành phẩm tồn kho đầu kỳ để ghi nhận giá vốn:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 156 – Hàng hóa
+ Cuối kỳ, xác định và kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 611 – Mua hàng (6112)
+ Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hóa đã xuất bán để xác định kết quả kinh doanh:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
– Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ:
+ Đầu kỳ, kết chuyển giá trị của thành phẩm tồn kho đầu kỳ để ghi nhận giá vốn:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 155 – Thành phẩm
+ Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm còn tồn kho cuối kỳ:
- Nợ TK 155 – Thành phẩm
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
+ Đầu kỳ, kết chuyển giá trị của thành phẩm, dịch vụ đã gửi đi bán nhưng chưa được xác định là đã bán:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 157 – Hàng gửi đi bán
+ Cuối kỳ, xác định giá trị của thành phẩm, dịch vụ đã gửi đi bán nhưng chưa được xác định đã bán:
- Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
+ Giá thành sản phẩm đã hoàn thành nhập kho, dịch vụ đã hoàn thành:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Có TK 631 – Giá thành sản xuất
+ Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ đã xuất bán trong kỳ sang tài khoản xác định kết quả kinh doanh:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
5. Sơ đồ chữ T của tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
Dưới đây là sơ đồ chữ T của tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán. Sơ đồ này minh họa cách ghi chép và kết chuyển các nghiệp vụ liên quan đến giá vốn hàng bán. Việc nắm vững sơ đồ giúp bạn thực hiện các nghiệp vụ kế toán một cách chính xác và hiệu quả:
Sơ đồ chữ T của tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
6. Các câu hỏi thường gặp
Tài khoản 632 chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, không áp dụng cho các doanh nghiệp thương mại?
Sai. Tài khoản 632 áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình kinh doanh. Dù là doanh nghiệp sản xuất hay thương mại, đều cần ghi nhận chi phí liên quan đến hàng hóa bán ra.
Sổ cái tài khoản 632 phải đối chiếu với các chứng từ gốc để đảm bảo tính chính xác?
Đúng. Sổ cái tài khoản 632 cần được đối chiếu với các chứng từ gốc như hóa đơn mua bán, phiếu xuất kho, và chứng từ thanh toán để đảm bảo tính chính xác của các khoản chi phí.
Hạch toán tài khoản 632 có thể không cần ghi nhận chi phí cho hàng tồn kho cuối kỳ?
Sai. Chi phí cho hàng tồn kho cuối kỳ cũng cần được ghi nhận trong tài khoản 632, vì điều này ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán và lợi nhuận gộp trong kỳ kế toán.
Trên đây là một số thông tin về “Hướng dẫn tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán”. Hy vọng với những thông tin ACC đã cung cấp sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về tài khoản 632. Nếu bạn cần hỗ trợ hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với Công ty Kế toán Kiểm toán Thuế ACC, để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng.
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN