Nên góp vốn điều lệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản? là thắc mắc mà nhiều cá nhân và doanh nghiệp đặt ra khi thành lập doanh nghiệp hoặc mở rộng vốn kinh doanh. Tại bài viết này, Kế toán kiểm toán thuế ACC sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về việc góp vốn điều lệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản để có thể thực hiện đúng quy định pháp luật và đạt được hiệu quả kinh doanh.
1. Góp vốn điều lệ bằng tiền mặt là như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần hiểu về góp vốn. Căn cứ quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Và theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 222/2013/NĐ-CP thì tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Vậy ta có thể hiểu rằng việc góp vốn bằng tiền mặt là việc góp tiền giấy, tiền kim loại để tạo thành vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty nên góp vốn điều lệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC:
Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Thay vì góp vốn điều lệ bằng tiền mặt thì công ty có thể góp vốn theo cách khác được quy định tại khoản 1 điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC sau:
Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác.
3. Cá nhân góp vốn điều lệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản thì phù hợp hơn?
Theo Công văn 786/TCT-CS có nêu, cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp được phép thanh toán bằng tiền mặt.
Như vậy, cá nhân khi góp vốn vào các doanh nghiệp có thể góp bằng tiền mặt, không có quy định bắt buộc góp vốn phải qua tài khoản ngân hàng. Song để đảm bảo minh bạch, rõ ràng nên chọn thanh toán qua ngân hàng.
4. Công ty góp vốn bằng tiền mặt sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định pháp luật Việt Nam, công ty không được phép góp vốn bằng tiền mặt. Vì vậy khi vi phạm, công ty có thể đối mặt với mức phạt từ 300 triệu đến 400 triệu VNĐ.
Điều này được quy định cụ thể tại: Điểm a khoản 8 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bới Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định về mức phạt đổi với hành vi vi phạm quy định thanh toán tiền mặt là từ 150.000.000 đồng tới 200.000.000 đồng. Nhưng đây là mức phạt được áp dụng với cá nhân vi phạm khi đối chiếu với Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP và tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi. Đồng thời, phải nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
5. Các câu hỏi thường gặp
Câu 1: Tài sản đóng góp vào vốn có yêu cầu lập hóa đơn không?
Không. Điều này được quy định cụ thể như sau:
- Tại điểm a khoản 7 điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng trong trường hợp góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp
- Điểm e khoản 3 điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp góp vốn bằng tài sản của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp thì không phải lập hóa đơn mà sử dụng các chứng từ biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản, biên bản định giá tài sản kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
Vậy người đọc sẽ không cần lập hóa đơn khi góp vốn bằng tài sản.
Câu 2: Những chứng từ cần thiết khi góp vốn bằng tiền mặt là gì?
Khi góp vốn bằng tiền mặt, cá nhân cần chuẩn bị những chứng từ như sau:
- Phiếu thu hợp lệ:
- Nội dung ghi rõ: góp vốn kinh doanh vào công ty.
- Có đầy đủ chữ ký của các cá nhân liên quan như: chữ ký người nộp tiền, người thu tiền, người lập phiếu, giám đốc/tổng giám đốc.
- Biên bản kiểm kê tiền mặt (bảng kiểm đếm số lượng, loại tiền).
- Biên bản góp vốn.
Câu 3: Khi nào chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản góp vốn là khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Hy vọng qua bài viết, Kế toán kiểm toán thuế ACC đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về các thông tin liên quan đến Nên góp vốn điều lệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản? Đừng ngần ngại, hãy liên hệ với chúng tôi nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.