
Doanh nghiệp tăng tốc phòng hộ tỷ giá trước rủi ro từ chính sách thuế quan của ông Trump
Sự khó lường trong các tuyên bố thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra những cơn sóng lớn trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Biến động tỷ giá gia tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp gấp rút sử dụng các công cụ phòng hộ tỷ giá để hạn chế rủi ro, đặc biệt là các công ty hoạt động xuyên biên giới và có doanh thu bằng nhiều đồng tiền khác nhau.
Theo Financial Times, chỉ số đo lường biến động tỷ giá do JPMorgan Chase theo dõi – bao gồm nhóm G7 và các nền kinh tế mới nổi – đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng Silicon Valley Bank và Credit Suisse hồi tháng 3/2023. Nguyên nhân chính đến từ lo ngại xoay quanh các chính sách thương mại mà ông Trump thúc đẩy sau khi tái đắc cử.
Ông Nathan Venkat Swami, trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Citigroup, cho biết nhu cầu phòng hộ tỷ giá bắt đầu gia tăng mạnh kể từ tháng 11/2024 – thời điểm ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. “Ngay từ khi các cam kết bảo hộ thương mại được đưa ra trong chiến dịch tranh cử, các doanh nghiệp đã bắt đầu hành động để bảo vệ vị thế tài chính của mình,” ông Swami nói.
Mặc dù có sự chững lại trong tháng 2/2025 do kỳ nghỉ Tết âm lịch ở châu Á, nhu cầu phòng hộ đã bật tăng trở lại trong tháng 3, chủ yếu từ phía doanh nghiệp. Các công ty quốc tế thường phòng hộ một phần thu nhập, nhưng sẽ tăng tỷ lệ này khi dự báo rủi ro biến động tỷ giá cao.
Một lãnh đạo cấp cao tại công ty thiết bị y tế châu Âu cho biết doanh nghiệp ông đang điều chỉnh chiến lược tỷ giá khi doanh thu ghi nhận bằng nhân dân tệ, trong khi chi phí chủ yếu bằng euro. “Trước đây, đồng nhân dân tệ có xu hướng tăng giá so với euro, nhưng sau tuyên bố áp thuế của ông Trump ngày 2/4, rủi ro tỷ giá đảo chiều. Chúng tôi đã nhanh chóng mua các hợp đồng ngoại hối để phòng ngừa rủi ro mất giá,” vị này chia sẻ.
Không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đang điều chỉnh danh mục. Ông Wei Li, trưởng bộ phận đầu tư đa tài sản Trung Quốc tại BNP Paribas, nhận xét việc vốn đầu tư rút khỏi chứng khoán Mỹ để chuyển sang các thị trường khác đang khiến nhu cầu phòng hộ tỷ giá tăng cao. Nhà đầu tư thường sử dụng chiến lược bán khống đồng nội tệ để giảm thiểu rủi ro tỷ giá với danh mục cổ phiếu nước ngoài.
“Thị trường tài chính toàn cầu đang thay đổi hoàn toàn trong năm nay. Điều đó thúc đẩy sự bùng nổ của các giao dịch phòng hộ,” ông Li nói thêm.
Làn sóng này mang lại lợi nhuận đáng kể cho các ngân hàng đầu tư lớn tại Phố Wall. Trong quý 1/2025, nhiều ngân hàng báo cáo mức doanh thu cao ở mảng giao dịch ngoại hối nhờ sự biến động thị trường tăng mạnh.
Tại Hồng Kông, số lượng hợp đồng tương lai đồng nhân dân tệ đạt mức cao nhất kể từ năm 2016 – thời điểm Trung Quốc phá giá đồng tiền. Trong khi đó, trên sàn SGX (Singapore), khối lượng hợp đồng tương lai ngoại hối đang trên đà lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, không phải mọi điều đều thuận lợi. Ông Swami cảnh báo rằng nếu ông Trump tiếp tục điều chỉnh mạnh hệ thống thương mại toàn cầu, việc xác định chiến lược phòng hộ dài hạn sẽ trở nên khó khăn hơn. “Các cấu trúc thương mại có thể thay đổi khiến doanh nghiệp gặp thách thức khi đánh giá cần phòng hộ bao nhiêu và ở đâu,” ông nói.
Ngoài ra, nếu nền kinh tế toàn cầu suy yếu do căng thẳng thương mại kéo dài, nhu cầu phòng hộ tỷ giá có thể chững lại. “Tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với việc giao dịch ít đi, nhu cầu phòng hộ cũng giảm theo,” ông Swami nhận định.
Nguồn: Vnenconomy
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN