Giấy phép kinh doanh là chứng thư pháp lý quan trọng, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Thủ tục sau khi có giấy phép kinh doanh doanh nghiệp cần làm gì? là câu hỏi của nhiều chủ doanh nghiệp bước đầu kinh doanh. Kế toán kiểm toán ACC xin gửi bài viết này để giải đáp thắc mắc của bạn.
1. Giấy phép kinh doanh doanh nghiệp là gì?
Giấy phép kinh doanh là loại giấy phép dành cho doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020.
Doanh nghiệp được kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi đã được cấp giấy phép kinh doanh và trong quá trình hoạt động phải luôn duy trì điều kiện kinh doanh đó.
Tùy vào ngành nghề sẽ có những điều kiện khác nhau, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khác nhau, doanh nghiệp phải đăng ký giấy phép kinh doanh khi kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì mới đủ giấy tờ hợp pháp được tham gia kinh doanh ngành nghề đó.
2. Thủ tục sau khi có giấy phép kinh doanh doanh nghiệp cần làm gì?
Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh để chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục về quản lý kinh doanh, quản lý thuế như sau:
Bước 1: Treo biển Công ty
Theo quy định của Điều 17 Luật Quảng cáo 2012, biển hiệu công ty phải treo tại trụ sở chính, có tác dụng quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.
Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định rõ, tên công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đồng thời phải in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Do vậy, ngay sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải treo biển công ty với đầy đủ thông tin theo quy định, vừa để quảng bá thương hiệu, vừa nhằm tuân thủ quy định quản lý doanh nghiệp, thuế.
Điểm c khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt 30 đến 50 triệu đồng với hành vi không treo biển công ty tại trụ sở chính đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc treo biển theo quy định.
Bước 2: Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 218/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4, khoản 5 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP quy định: Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải thực hiện chuyển khoản.
Bên cạnh đó, xu hướng quản lý thuế hiện nay là nộp thuế điện tử. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện mở tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch.
Hồ sơ mở tài khoản ngân hàng thực hiện theo quy định của từng ngân hàng, chủ yếu bao gồm:
- Giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu có chữ ký của người đại diện công ty và dấu của công ty;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao Điều lệ Công ty;
- Bản sao CCCD của người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao Quyết định bổ nhiệm và CCCD của Kế toán trưởng
Bước 3: Khai thuế ban đầu
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cấp giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu tại Chi cục thuế quản lý. Hồ sơ cụ thể như sau:
- Tờ khai đăng ký thực hiện hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn;
- Quyết định bổ nhiệm giám đốc;
- Quyết định bổ nhiệm kế toán;
- Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ);
- Tờ khai lệ phí môn bài;
- Phiếu đăng ký trao đổi thông tin qua phương thức điện tử.
Bước 4: Nộp lệ phí môn bài
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP:
– Doanh nghiệp thành lập kể từ ngày 25/02/2020 được miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập;
– Doanh nghiệp thực hiện khai lệ phí môn bài và nộp tờ khai cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 30/01 năm sau năm thành lập.
Bước 5: Đăng ký sử dụng chữ ký số điện tử
Hiện nay, không chỉ cơ quan thuế mà rất nhiều cơ quan thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ký số điện tử thay cho nộp bản giấy. Do vậy doanh nghiệp cần đăng ký sử dụng chữ ký số để thực hiện các giao dịch với các bên.
Chữ ký số hợp lệ là chữ ký số được tạo ra hợp pháp, đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định, có thể thay thế chữ ký tươi trong các giao dịch. Chữ ký số hợp lệ được xác định thông qua quá trình kiểm tra xác nhận.
Bước 6: Đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử
Căn cứ quy định tại khoản 1, 2 Điều 59 và Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng hoá đơn điện tử.
Do vậy, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử để đảm bảo thực hiện theo lộ trình.
Bước 7: Lựa chọn phương pháp tính thuế giá trị gia tăng
Điều 9 Luật Thuế gia trị gia tăng 2008 quy định doanh nghiệp có hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng: Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp cần đánh giá tính phù hợp của từng phương pháp tính thuế với hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh, quy mô, tính chất hoạt động kinh doanh từ đó lựa chọn được phương pháp tính thuế GTGT phù hợp. Việc lựa chọn phương pháp tính thuế ảnh hưởng trực tiếp đến số thuế phải nộp cũng như khách hàng của doanh nghiệp:
- Nếu khách hàng là tổ chức thì doanh nghiệp nên chọn phương pháp khấu trừ
- Nếu khách hàng là cá nhân/hộ kinh doanh thì doanh nghiệp nên chọn phương pháp tính trực tiếp trên GTGT
Bước 8: Khai thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Luật Quản lý thuế 2019, doanh nghiệp phải khai thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo khi phát sinh nghĩa vụ thuế, hoặc trước ngày thứ 90 kể từ khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính nếu quyết toán theo năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các thủ tục liên quan đến kê khai bảo hiểm xã hội (nếu có) để đảm bảo quyền lợi người lao động.
3. Mức phạt khi chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài
Căn cứ quy định Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, mức xử phạt chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài như sau:
– Phạt cảnh cáo: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 – 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;
– Phạt tiền:
- Phạt 2 đến 5 triệu đồng: Quá hạn 01 – 30 ngày, trừ trường hợp phạt cảnh cáo;
- Phạt 5 đến 8 triệu đồng: Quá hạn 31 – 60 ngày;
- Phạt 8 đến 15 triệu đồng: Quá hạn 61 – 90 ngày; Quá từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Phạt 15 đến 25 triệu đồng: Quá hạn trên 90 ngày, có phát sinh số thuế phải nộp.
Ngoài ra doanh nghiệp còn bị áp dụng hình thức khắc phục hậu quả:
– Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
– Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế trong một số trường hợp.
4. Câu hỏi thường gặp
Doanh nghiệp có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng không?
Có. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng để phục vụ các giao dịch trong quá trình kinh doanh.
Sau khi thành lập doanh nghiệp công ty có bắt buộc thuê kế toán không?
Không bắt buộc. Sau khi thành lập doanh nghiệp sẽ có rất nhiều nghiệp vụ tài chính phát sinh trong công ty đòi hỏi phải có nhân sự chuyên môn kế toán xử lý. Tuy nhiên với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không có bộ phận hoặc nhân sự kế toán riêng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thuê kế toán từ các công ty dịch vụ để thực hiện các nghiệp vụ này. Kế toán kiểm toán ACC rất hân hạnh đồng hành cùng quý khách từ những bước đầu khởi lập doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Kế toán kiểm toán ACC về Thủ tục sau khi có giấy phép kinh doanh doanh nghiệp cần làm gì? Hi vọng bạn đã nắm được đầy đủ thủ tục phải làm, từ đó thực hiện đúng quy định của pháp luật.