Thỏa thuận giảm thuế với Trung Quốc: bước lùi chiến lược của Mỹ?

Việc Mỹ chấp nhận giảm mạnh thuế quan với hàng hóa Trung Quốc trong một thỏa thuận đạt được tại Geneva cho thấy Washington đang ở thế yếu hơn Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh dài hơi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thỏa thuận giảm thuế với Trung Quốc: bước lùi chiến lược của Mỹ?
Thỏa thuận giảm thuế với Trung Quốc: bước lùi chiến lược của Mỹ?

Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế lên tới 145% với hàng nhập từ Trung Quốc, gây chấn động thị trường toàn cầu và làm tê liệt dòng chảy thương mại giữa hai nước, chính quyền Mỹ đã phải lùi bước. Thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc hiện chỉ còn 30%, trong khi Bắc Kinh cũng giảm mức thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%. Hai bên nhất trí nối lại đàm phán để ổn định quan hệ song phương.

Theo các nhà phân tích, đây là dấu hiệu rõ rệt cho thấy chính sách áp thuế dồn dập của Mỹ đã phản tác dụng. Doanh nghiệp Mỹ nhanh chóng hứng chịu hệ quả khi chi phí nhập khẩu tăng vọt, nguồn cung gián đoạn, một số nhà nhập khẩu bên bờ phá sản, còn người tiêu dùng đối mặt với giá cả leo thang. Chính quyền Trump buộc phải điều chỉnh, dù từng tuyên bố sẽ “chơi tới cùng”.

Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm CSIS ở Washington, nhận định thỏa thuận Geneva là “bước rút lui gần như hoàn toàn của Mỹ”, và rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã đúng khi kiên quyết không nhượng bộ trước sức ép từ Washington.

Chiến lược “gây sốc thuế quan” được Trump sử dụng nhằm buộc Trung Quốc nhượng bộ được đánh giá là thiếu hiệu quả khi đối phương có đủ tiềm lực và sự kiên định để đáp trả. Kết quả là chính Mỹ phải gánh hậu quả, buộc Nhà Trắng chuyển hướng sang đối thoại.

Trong khi chính quyền Trump khẳng định đây là chiến thắng khi Trung Quốc chịu ngồi vào bàn đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng thừa nhận hai nước “có lợi ích chung” và không bên nào muốn tách rời kinh tế.

Phát biểu này đánh dấu bước ngoặt trong quan điểm của chính quyền Trump, bởi trước đó chính Bessent từng tuyên bố đòn thuế sẽ khiến kinh tế Trung Quốc “sụp đổ” do quá phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc chịu tổn thất nhất định, nhưng xuất khẩu của nước này sang Đông Nam Á lại tăng vọt, chứng tỏ Bắc Kinh vẫn linh hoạt trong việc tìm lối đi khác cho dòng hàng hóa của mình.

Với thỏa thuận mới, Mỹ sẽ hoãn áp thuế cao trong 90 ngày, tạo ra khoảng “thời gian vàng” để các doanh nghiệp xoay sở. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng ba tháng là quá ngắn để giải quyết hàng loạt bất đồng sâu sắc, từ thâm hụt thương mại đến quyền tiếp cận thị trường, vấn đề kiểm soát fentanyl và vị thế thống trị của Trung Quốc trong một số ngành chiến lược.

Giới doanh nghiệp Mỹ tạm thở phào nhưng lo ngại giai đoạn “hòa hoãn” quá ngắn. Gene Seroka, giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, nhận định mức thuế 30% vẫn là gánh nặng lớn, còn Giám đốc Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Matthew Shay xem đây chỉ là “phao cứu sinh ngắn hạn” cho ngành bán lẻ Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố nếu hai nước không đạt tiến triển trước giữa tháng 8, thuế sẽ tăng trở lại – tuy không chạm mốc 145% – nhưng đủ để khiến thương mại tiếp tục đóng băng.

Trong các vòng đàm phán tới, Mỹ dự kiến sẽ tái khởi động một phần thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký năm 2020 – vốn từng cam kết Trung Quốc sẽ gia tăng mua hàng Mỹ nhưng rốt cuộc không được thực hiện đầy đủ. Một số cố vấn của Trump xem việc ép Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận này là nền tảng cho các tiến triển tiếp theo.

Tuy nhiên, khác biệt về quan điểm và niềm tin vẫn là rào cản lớn. Trong khi Mỹ muốn giải quyết cả vấn đề fentanyl và mất cân bằng thương mại, Trung Quốc tỏ ra thận trọng và không sẵn sàng cam kết nhiều như trước. Viễn cảnh về một thỏa thuận toàn diện vẫn còn rất xa vời.

Nguồn: Vnexpress

HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *