0764704929

Doanh nghiệp có được tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn không?

Tạm ngừng kinh doanh là giải pháp mà khá nhiều doanh nghiệp tìm đến khi gặp những khó khăn trong quản lý, vận hành, cần thời gian dừng hoạt động để cải tổ và tìm ra giải pháp phục hồi lại doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, Kế toán kiểm toán ACC gửi tới quý khách hàng thông tin Doanh nghiệp có được tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn không?

Tạm ngừng vô thời hạn

1. Doanh nghiệp có được tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn không?

Trước đây, theo quy định tại khoản 2 điều 57 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) có quy định: Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.

Như vậy, chiếu theo quy định trước đây, pháp luật có quy định hạn chế về thời gian tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ được tạm ngừng kinh doanh liên tiếp tối đa 02 năm. 

Hiện nay, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp đã có quy định “mở” hơn cho doanh nghiệp khi không có giới hạn về thời hạn tạm ngừng kinh doanh liên tiếp, nhưng doanh nghiệp phải đảm bảo mỗi lần tạm ngừng kinh doanh chỉ được tối đa 01 năm và phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tiếp tục tạm ngừng trước 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. 

2. Điều kiện tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020: Công ty TNHH hai thành viên tạm ngừng kinh doanh khi:

– Công ty tự quyết định tạm ngừng kinh doanh;

– Công ty tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp:

  • Tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
  • Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Công ty chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, bao gồm:

  • Thông báo tạm ngừng kinh doanh của công ty theo mẫu tại Nghị định.
  • Biên bản họp về việc quyết định tạm ngừng kinh doanh.
  • Quyết định về việc tạm ngừng kinh doanh.
  • Trường hợp người nộp hồ sơ không phải người đại diện theo pháp luật, cần có giấy ủy quyền hợp pháp và bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ và nhận kết quả (thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Công ty nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở chính. Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và trao Giấy biên nhận cho Công ty.

Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra Thông báo tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho công ty sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 4: Công bố thông tin

Sau khi cấp Thông báo tạm ngừng kinh doanh, Công ty thực hiện công bố thông tin, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin trên hệ thống và chuyển dữ liệu sang cơ quan thuế quản lý.

4. Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh

nghĩa vụ doanh nghiệp

Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh được quy định tại khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:

– Doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ;

– Tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

– Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính, không phát sinh nghĩa vụ thuế: Không phải nộp báo cáo thuế;

– Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính: Phải nộp báo cáo thuế.

– Thông báo tạm ngừng kinh doanh trước 03 ngày làm việc tính đến thời điểm tạm ngừng và nếu hoạt động trở lại trước hạn thì cũng phải thông báo trước 03 ngày làm việc tính đến ngày hoạt động trở lại.

5. Doanh nghiệp trở lại kinh doanh trước thời hạn đã đăng ký tạm ngừng được không?

Khi thực hiện đăng ký tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp đã xác định cụ thể ngày bắt đầu và kết thúc tạm ngừng. Do đó khi hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp đương nhiên được hoạt động trở lại mà không cần thực hiện bất cứ thủ tục với cơ quan nhà nước nào.

Tuy nhiên, đối với trường hợp doanh nghiệp muốn kinh doanh trước hạn đã đăng ký thì phải tuân thủ theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau: 

– Gửi thông báo theo mẫu tại Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. 

– Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

–  Doanh nghiệp có thể đề nghị đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đồng thời với đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đồng thời với tình trạng của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp có thể đăng ký hoạt động trở lại trước thời hạn tạm ngừng đã thông báo nhưng phải tuân thủ theo thủ tục thông báo hoạt động trở lại theo quy định.

  1. Câu hỏi thường gặp

Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch nhưng trở lại kinh doanh trước hạn thì có phải báo cáo thuế không?

Có. Khoản 2 Điều 4, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch nhưng trở lại kinh doanh trước hạn thì vẫn phải thực hiện chế độ báo cáo thuế theo quy định.

Doanh nghiệp thuộc trường hợp phải tạm ngừng kinh doanh vẫn hoạt động có bị xử phạt không?

Có. Khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định: 

“4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  1. b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.

Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.”

Như vậy khi có yêu cầu tạm ngừng kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh thì bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.

Trên đây là tư vấn của Kế toán kiểm toán ACC về Doanh nghiệp có được tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn không? Hi vọng với bài viết này, quý khách hàng có thể hiểu biết được toàn diện về vấn đề tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

 

    HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN


    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    0764704929