Đại diện Bộ Công Thương cho rằng mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam là “thiếu cơ sở khoa học và thực sự không công bằng”.

Hiện Mỹ đang áp thuế nhập khẩu đối ứng từ 10-50% với hơn 180 đối tác thương mại. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm nước bị áp mức cao nhất – 46%. Theo cách tính của phía Mỹ, mức thuế này nhằm “đối ứng” với khoảng thuế nhập khẩu trung bình 90% mà họ cho là Việt Nam đang áp lên hàng hóa từ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) – khẳng định mức thuế MFN trung bình mà Việt Nam áp với hàng nhập khẩu chỉ khoảng 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng 46% từ phía Mỹ là thiếu căn cứ và không phản ánh đúng nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Ông Linh cho biết, Bộ Công Thương lấy làm tiếc về quyết định từ phía Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã ký Hiệp định thương mại song phương từ năm 2001, dù chưa có FTA song phương.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều động thái hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ. Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 73 nhằm giảm thuế MFN cho 16 nhóm mặt hàng, trong đó có 13 nhóm mang lại lợi ích rõ rệt cho Mỹ, như ô tô và gỗ.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 119,5 tỷ USD và nhập khẩu 15,1 tỷ USD hàng hóa từ thị trường này. Tuy có chênh lệch thương mại, song theo Bộ Công Thương, hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp và hàng hóa Việt Nam cũng giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận sản phẩm giá hợp lý.
Phía Mỹ cho rằng việc áp thuế đối ứng nhằm khắc phục bất công thương mại toàn cầu, thúc đẩy sản xuất trong nước và đảm bảo an ninh quốc gia. Các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi tình trạng mất cân đối thương mại được cải thiện.
Bộ Công Thương cho biết, tuyên bố này vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định, đồng thời sắp xếp cuộc điện đàm với đại diện Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để trao đổi cụ thể.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu – đặc biệt là ngành nông sản, dệt may, thủy sản – bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% (tương đương 450 tỷ USD) mà Bộ Công Thương đặt ra trong năm nay.
Tuy vậy, ông Linh cho biết Bộ đã dự báo trước tình huống này và có sẵn phương án ứng phó. Ông khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng ưu đãi từ 17 FTA Việt Nam đã ký với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
“Mỹ chỉ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu. Việt Nam còn rất nhiều cơ hội khai thác 87% thị trường còn lại,” ông Linh nói. Ông cũng cho biết Bộ đang đẩy mạnh đàm phán FTA mới với Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á… và tăng cường xúc tiến thương mại, cải thiện logistics để nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Ngoài ra, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương. Về lâu dài, Việt Nam cần tái cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Nguồn: Vnexpress
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN