Cùng với sự phát triển của công nghệ khí đốt, gas đã trở thành một sản phẩm cần thiết trong sinh hoạt của nhiều gia đình. Tuy nhiên vẫn tồn tại tình trạng kinh doanh “chui” gây rủi ro không chỉ cho người mua, người bán và cả người xung quanh. Kế toán kiểm toán ACC gửi tới bạn Kinh doanh gas không có giấy phép bị xử phạt bao nhiêu? để bạn nắm bắt thông tin và tuân thủ khi thực hiện hoạt động kinh doanh này.
1. Điều kiện để kinh doanh gas là gì?
Kinh doanh gas là một trong các hình thức kinh doanh khí theo quy định tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP, theo đó: thương nhân đáp ứng các điều kiện theo quy định bán sản phẩm khí theo tiêu chuẩn cho người mua nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Thương nhân kinh doanh gas phải đáp ứng các điều kiện chung quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này:
– Được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí hoặc có chai LPG hoặc hợp đồng thuê chai LPG;
– Tuân thủ các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Ngoài ra, tuỳ thuộc vào loại khí, loại vật chứa đựng mà thương nhân đó còn cần đáp ứng các điều kiện sau theo quy định tại Điều 8 Nghị định:
– Thương nhân kinh doanh khí qua đường ống: Có trạm cấp khí đảm bảo an toàn;
– Thương nhân kinh doanh LNG ngoài: Có trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đảm bảo an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
– Thương nhân kinh doanh CNG: Có xe bồn CNG, trạm nén CNG, trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đảm bảo an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
Trường hợp cửa hàng bán lẻ LPG chai thì phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 10 Nghị định 87/2018/NĐ-CP:
– Được thành lập theo quy định pháp luật;
– Có hợp đồng tối thiểu 1 năm bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân;
– Tuân thủ quy định phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, để kinh doanh gas thì thương nhân phải bảo đảm được thành lập theo luật định, có cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động kinh doanh, có nguồn hàng hợp pháp và tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy.
2. Kinh doanh gas không có giấy phép bị xử phạt bao nhiêu?
Kinh doanh gas không có giấy phép có thể gây hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến không chỉ người bán, người mua và cả cho xã hội.
Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính khi kinh doanh gas không có giấy phép như sau:
– Theo điểm a Khoản 2 Điều 38 Nghị định: Trường hợp tổ chức mua bán gas khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí thì bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm;
– Theo điểm b khoản 2 Điều 39 Nghị định: Trường hợp bán lẻ LPG chai không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai thì bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Như vậy, kinh doanh gas không có giấy phép thì tuỳ thuộc từng loại giấy phép có mức phạt cụ thể khác nhau, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 80 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
3. Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh gas như thế nào?
Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG, thương nhân phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 38 Nghị định 87/2018/NĐ-CP như sau:
– Hồ sơ chung cho hoạt động mua bán các loại khí:
- Giấy đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh.
- Bản sao Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa.
- Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy; Quyết định thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy…)
– Ngoài ra, với thương nhân kinh doanh mua bán LPG kinh doanh LPG chai, cần bổ sung các giấy tờ sau:
- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định chai LPG còn hiệu lực;
- Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy đối với chai LPG.
– Với thương nhân kinh doanh khí qua đường ống, cần bổ sung:
- Tài liệu chứng minh có đường ống vận chuyển khí hoặc hợp đồng thuê đường ống vận chuyển khí;
- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định đường ống còn hiệu lực;
- Tài liệu chứng minh có trạm cấp khí đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
– Thương nhân kinh doanh mua bán LNG, cần bổ sung: Tài liệu chứng minh có trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đảm bảo an toàn, phòng cháy, chữa cháy.
– Thương nhân kinh doanh CNG, cần bổ sung:
- Tài liệu chứng minh có xe bồn CNG đã được kiểm định còn hiệu lực;
- Tài liệu chứng minh có trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
- Tài liệu chứng minh có trạm nén CNG đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
4. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh gas
Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh gas tuân thủ Điều 43 Nghị định 87/2018/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Thương nhân chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn tại mục 3 bài viết này.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Thương nhân nộp hồ sơ tại Sở Công thương nơi đặt trụ sở kinh doanh theo 01 trong 03 phương thức: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua mạng điện tử.
Trường hợp hồ sơ đủ, Sở Công thương tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp không đủ sẽ yêu cầu bổ sung.
Bước 3: Sở Công thương thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Công thương thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Một số lưu ý về vận chuyển gas
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 17 Nghị định 34/2024/NĐ-CP, thương nhân được miễn Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với gas khi:
– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam;
– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam;
– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít.
Như vậy, thương nhân kinh doanh gas cần lưu ý để xin bổ sung Giấy phép cần thiết nếu không thuộc các trường hợp kể trên.
6. Câu hỏi thường gặp
Thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG là bao lâu?
Theo Khoản 5 Điều 43 Nghị định 87/2018/NĐ-CP là 10 năm kể từ ngày cấp mới.
Khi nào Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG bị thu hồi?
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 87/2018/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG bị thu hồi khi:
- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp phép;
- Không còn đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định của Giấy chứng nhận;
- Cho thuê, mượn Giấy chứng nhận; tự ý sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận;
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh;
- Giấy chứng nhận được cấp không đúng thẩm quyền;
- Kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu;
- Thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép: Thay chân đế, cắt quai xách; mài lô gô, thay đổi nhãn hiệu, seri; hàn gắn thêm kim loại; tráo đổi van đầu chai.
Trên đây là tư vấn của Kế toán kiểm toán ACC về Kinh doanh gas không có giấy phép bị xử phạt bao nhiêu? Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn nắm rõ trách nhiệm của mình khi kinh doanh mặt hàng này.