
Giới doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào thế gọng kìm khi vừa đối mặt với khả năng Mỹ áp mức thuế suất đối ứng lên tới 46%, vừa phải lo chống đỡ làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn vào thị trường nội địa.
Ông Lê Song Hào, Giám đốc điều hành SHDC Electronics – một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam – cảnh báo rằng nếu chính sách thuế 46% được Tổng thống Trump triển khai, “doanh nghiệp của chúng tôi sẽ không thể tồn tại”. SHDC được thành lập năm 2022 với mục tiêu đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, hiện công ty đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến mới từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Theo ông Hào, dù chính quyền Tổng thống Trump đã hoãn áp dụng thuế trong vòng 90 ngày cho những nước được xem là “có thiện chí”, rủi ro vẫn còn rất lớn nếu các cuộc đàm phán không đi đến thỏa thuận. “Chúng tôi đang ở tình thế ngồi trên lửa”, ông nói, bởi toàn bộ doanh thu của SHDC đến từ thị trường Mỹ.
Ông đặc biệt lo ngại kịch bản Mỹ chọn đối xử ưu đãi với các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ hoặc Indonesia nhưng vẫn đánh thuế nặng lên hàng hóa Việt Nam. “Nếu điều đó xảy ra, sẽ là thảm họa”, ông nhấn mạnh.
Không riêng gì lĩnh vực điện tử, ngành nội thất – một mũi nhọn xuất khẩu khác của Việt Nam – cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Hoàng Thị Như Yến, CEO công ty nội thất KPY tại TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp trong ngành đang ở trong trạng thái “nằm thở”, gần như tê liệt vì chưa biết ứng phó ra sao.
Không chỉ chịu sức ép từ thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp nội địa còn phải căng mình chống chọi với làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc đang ồ ạt quay trở lại Việt Nam sau khi sức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc sụt giảm. Điều này tạo thêm áp lực cạnh tranh gay gắt, đặc biệt với các công ty nhỏ và vừa vốn đã gặp khó khăn sau dịch COVID-19 và các biến động kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ rõ ràng, không chỉ ở cấp vĩ mô mà cả về tín dụng, thuế và mở rộng thị trường để giúp doanh nghiệp trụ vững trước làn sóng thay đổi nhanh chóng của địa chính trị thương mại.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN