
Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó trong thời gian Mỹ tạm hoãn áp thuế
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đang được xem là “khoảng lặng” quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh xuất khẩu, đưa ra các kiến nghị chính sách và chuẩn bị cho kịch bản dài hạn. Nhiều hiệp hội ngành hàng cho rằng, thay vì bị động, đây là cơ hội để nhìn lại cấu trúc sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thị trường lớn vẫn phải giữ
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ đạt 8,8 tỉ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch toàn ngành. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp gần 70%. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn khá thận trọng, dù Mỹ chưa áp thuế ngay.
“Việc các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn thị phần cho thấy nếu họ rút khỏi Việt Nam, ngành gỗ sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Do đó, cần có giải pháp giữ vững thị trường này,” đại diện hiệp hội nhận định.
Tương tự, ông Trần Văn Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam – cho biết dù kim ngạch xuất khẩu điều sang Mỹ có giảm trong những năm gần đây, nhưng đây vẫn là thị trường lớn, chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch toàn ngành với gần 1,1 tỉ USD trong năm 2024.
“Ngành điều xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia nhưng Mỹ vẫn có sức tiêu thụ lớn và nhu cầu đa dạng. Vì thế, bằng mọi giá phải giữ được thị trường này,” ông Hiệp nhấn mạnh.
Ở lĩnh vực gốm sứ, ông Vương Siêu Tín – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương – cho biết Mỹ hiện chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gốm tại địa phương. Dù mức thuế nhập khẩu đã tăng từ 6% lên 16%, nhiều doanh nghiệp vẫn đánh giá đây là ngưỡng chấp nhận được và kỳ vọng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế phù hợp cho ngành hàng ít cạnh tranh này.
Với ngành rau quả, Mỹ đang là thị trường lớn thứ hai (sau Trung Quốc), chiếm khoảng 9 – 10% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, việc Mỹ có thể áp mức thuế cao hơn so với các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ khiến ngành gặp thêm sức ép cạnh tranh.
Tranh thủ “khoảng trống thuế” để tăng tốc xuất khẩu
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-4, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết xuất khẩu rau quả sang Mỹ trong tháng đầu năm 2025 đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng thời gian Mỹ hoãn áp thuế để đẩy mạnh lượng hàng xuất đi, tránh tồn kho và giảm thiểu rủi ro nếu mức thuế cao được áp dụng sau thời hạn 90 ngày.
“Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, các doanh nghiệp cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại, ưu đãi thuế, lãi suất và kéo dài thời gian vay vốn để đảm bảo dòng tiền,” ông Bình nói.
Tương tự, các doanh nghiệp ngành điều cũng cho biết lượng hàng xuất sang Mỹ đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ kể từ đầu tháng 4, và có thể duy trì đà này đến giữa tháng 7 – thời điểm kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế.
Từ góc độ hiệp hội, ông Trần Văn Hiệp cho biết bên cạnh việc chờ kết quả đàm phán về thuế, nhiều doanh nghiệp điều đang tìm cách mở rộng thị trường sang Úc, Nhật Bản, châu Âu… và khai thác thêm phân khúc tại Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tập trung đầu tư vào chế biến sâu – phân khúc hiện mới chỉ chiếm dưới 10% kim ngạch xuất khẩu – nhằm nâng giá trị sản phẩm và phù hợp hơn với nhu cầu của các thị trường cao cấp.
Chuyển biến từ thách thức thuế quan
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong ngành đang rà soát lại danh mục sản phẩm, tìm các mặt hàng có khả năng được ưu đãi thuế tại Mỹ, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn nhiều dư địa như Ấn Độ, Hàn Quốc và châu Âu.
“Không phải toàn bộ các sản phẩm đồ gỗ đều bị Mỹ áp thuế như nhau. Với những mặt hàng như nội thất, nếu chọn đúng mã hàng, vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế nhất định,” vị này chia sẻ.
Ở góc độ tích cực, ông Vương Siêu Tín cho rằng áp lực về thuế cũng là cơ hội để doanh nghiệp cải tổ. “Nếu nhìn dài hạn, việc Mỹ tăng thuế với Trung Quốc có thể khiến một số khách hàng tìm đến Việt Nam, đặc biệt với những sản phẩm gốm sứ mà không nhiều quốc gia sản xuất được,” ông Tín phân tích.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ online
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN