Doanh nghiệp mỹ chia rẽ vì chính sách thuế quan mới của ông Trump

Giữa làn sóng áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã khởi kiện, số khác lại chọn cách im lặng, lo ngại việc công khai phản đối sẽ mang lại hệ lụy không mong muốn.
Ngày 14/4, Trung tâm Công lý Tự do (LJC) đại diện cho năm doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực rượu, đồ điện tử, ống nhựa, may mặc… đã nộp đơn kiện chính quyền ông Trump lên Tòa án Thương mại Quốc tế. Họ cho rằng việc Tổng thống đơn phương áp thuế là vượt thẩm quyền và vi hiến.
“Không cá nhân nào, kể cả tổng thống, nên có quyền đơn phương ra quyết định dẫn đến hậu quả kinh tế sâu rộng như vậy,” cố vấn cấp cao của LJC, Jeffrey Schwab, tuyên bố. Ông nhấn mạnh Hiến pháp Mỹ trao quyền thiết lập thuế quan cho quốc hội.
Trước đó, ông Trump đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu với hơn 180 đối tác, trong đó phần lớn hàng hóa sẽ bị đánh thuế 10% từ ngày 5/4. Một số nước lớn sẽ phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn kể từ ngày 9/4. Dù chính quyền đã tạm hoãn 90 ngày để đàm phán, chính sách này vẫn khiến thị trường toàn cầu chao đảo.
Simplified – một công ty nhỏ ở Florida chuyên dùng nguyên liệu từ Trung Quốc – cũng đã nộp đơn kiện, với sự hỗ trợ từ Liên minh Tự do Dân sự mới. Đây là nhóm do giáo sư luật Philip Hamburger của Đại học Columbia sáng lập.
Nhiều hiệp hội lớn như Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng đang cân nhắc các biện pháp pháp lý. Họ cho rằng việc ông Trump dựa vào Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA) để áp thuế là không hợp pháp. Đạo luật này vốn được thiết kế để xử lý các mối đe dọa khẩn cấp, chứ không dành cho điều chỉnh thuế quan thương mại.
Trong quá khứ, đạo luật IEEPA thường được dùng để trừng phạt tài chính đối với khủng bố hoặc các thực thể nước ngoài thù địch. Nhưng ông Trump lại viện dẫn nó để chống buôn lậu fentanyl, di cư bất hợp pháp và mất cân bằng thương mại – điều mà các chuyên gia pháp lý cho rằng không thuyết phục.
Tuy nhiên, việc khởi kiện Tổng thống luôn đi kèm rủi ro. Một số cố vấn thân cận ông Trump cảnh báo hành động này có thể phản tác dụng, khiến ông càng quyết tâm theo đuổi chiến lược thuế quan. Một số doanh nghiệp vì vậy chọn cách tiếp cận kín đáo hơn, như vận động hành lang hoặc thuyết phục các quan chức cấp cao.
“Cách tốt nhất lúc này là đối thoại trực tiếp với ông Trump hoặc các cố vấn của ông,” một lãnh đạo doanh nghiệp giấu tên cho biết. “Chúng tôi đang nhấn mạnh rằng thuế cao sẽ ảnh hưởng đến chính cử tri trung thành của ông khi giá cả tăng vọt.”
Các tập đoàn lớn như Disney cũng lên tiếng lo ngại. CEO Bob Iger cảnh báo rằng kế hoạch đưa sản xuất về Mỹ không khả thi trong ngắn hạn, do thiếu nhân lực có tay nghề cao. Chi phí đóng tàu du lịch của Disney cũng đội lên vì giá thép tăng do thuế nhập khẩu.
Dù vấp phải nhiều chỉ trích, ông Trump khẳng định các biện pháp thuế quan là cần thiết để “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán và hiện Nhà Trắng đang tiến hành thương lượng với hơn 90 đối tác trong vòng 90 ngày.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thời gian đàm phán là quá ngắn để đạt được thỏa thuận toàn diện, nhất là khi nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình đối phó với bất ổn.
“Cử tri và doanh nghiệp muốn biết cụ thể thời gian, lộ trình, chứ không phải chỉ những lời hứa,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford nhận xét.
Nguồn: Vnexpress
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN