0764704929

Điều kiện, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Hội nhập quốc tế hiện nay không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội mà còn trên cả lĩnh vực du lịch. Nhiều doanh nghiệp muốn kinh doanh lữ hành quốc tế để thu hút du lịch trong và ngoài nước nhưng chưa biết thực hiện như thế nào. Trong phạm vi bài viết này, Kế toán kiểm toán ACC xin giới thiệu với quý khách hàng Điều kiện, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để cùng tìm hiểu rõ.

Điều kiện, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
Điều kiện, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

1. Điều kiện về kinh doanh lữ hành quốc tế

Khoản 2 Điều 30 Luật Du lịch 2017 quy định: Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

Kinh doanh lữ hành quốc tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch 2017 gồm:

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

– Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng. Mức ký quỹ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 91/2021/NĐ-CP như sau:

  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 đồng;
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 đồng;
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 đồng.

– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Chuyên ngành về lữ hành bao gồm:

  • Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
  • Quản trị lữ hành;
  • Điều hành tour du lịch;
  • Marketing du lịch; 
  • Du lịch;
  • Du lịch lữ hành;
  • Quản lý và kinh doanh du lịch;
  • Quản trị du lịch MICE;
  • Đại lý lữ hành; hướng dẫn du lịch;
  • Ngành nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL có hiệu lực;
  • Ngành nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.

Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành tại hai quy định nêu trên thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, ”lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.

2. Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tuân thủ theo quy định tại Điều 33 Luật Du lịch 2017 bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL;

– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;

– Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

3. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
Thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Căn cứ theo khoản 2 Điều 33 Luật Du lịch 2017, thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ theo Mục 2 Bài viết này.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch.

Bước 3: Tổng cục Du lịch thẩm định hồ sơ và trả kết quả

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Những trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch 2017, các trường hợp sau doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế:

– Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;

– Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành;

– Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;

– Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;

– Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;

– Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;

– Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;

– Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

5. Câu hỏi thường gặp

Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là bao nhiêu?

Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế như sau:

– Cấp mới: 03 triệu đồng/giấy phép;

– Cấp đổi: 02 triệu đồng/giấy phép;

– Cấp lại: 1,5 triệu đồng/giấy phép.

Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế có thời hạn bao lâu?

Trên giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế không có ghi thời hạn giấy phép có hiệu lực cụ thể. Thực tế, không có quy định chính thức về thời hạn của giấy phép này. Tuy nhiên, có thể xác định rằng giấy phép lữ hành quốc tế có thể được sử dụng cho đến khi doanh nghiệp quyết định giải thể, ngừng kinh doanh hoặc yêu cầu rút giấy phép đăng ký kinh doanh.

    HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN


    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    0764704929