Sáng 9-5, báo cáo trước Quốc hội, ông Phan Văn Mãi – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội – cho biết dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng miễn thuế đối với máy điều hòa có công suất dưới 18.000 BTU.

Theo ông Mãi, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ hiện nay đã trở nên phổ biến để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh quy định: chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa có công suất từ 18.000 BTU đến 90.000 BTU; trong khi loại dưới 18.000 BTU và trên 90.000 BTU sẽ không thuộc diện chịu thuế.
Trước đó, theo quy định hiện hành, điều hòa có công suất từ 90.000 BTU trở xuống chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, còn loại công suất trên mức này thì không chịu thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách phân loại này không còn phù hợp khi điều hòa ngày càng phổ biến, không còn là hàng xa xỉ như trước kia.
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Trần Văn Khải – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa là không hợp lý vì đây không còn là mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên thiết yếu đối với cả người dân thành thị và nông thôn.
Ông Khải cho rằng dù thuế cao, người dân vẫn phải mua điều hòa để đảm bảo sinh hoạt và sức khỏe. Điều này khiến chính sách thuế đang vô tình đánh vào đối tượng tiêu dùng phổ thông thay vì các mặt hàng xa xỉ đúng nghĩa. Ngoài ra, quy định hiện hành cũng thiếu công bằng khi điều hòa công suất lớn lại không chịu thuế, trong khi thiết bị nhỏ phục vụ hộ gia đình lại bị đánh thuế.
Đại biểu này cũng nhấn mạnh rằng các công nghệ tiết kiệm điện như inverter đã trở nên phổ biến, giúp điều hòa hiện đại sử dụng năng lượng hiệu quả hơn nhiều so với trước. Vì vậy, lập luận cho rằng điều hòa nhỏ cần bị đánh thuế để hạn chế tiêu thụ điện cũng không còn phù hợp. Từ đó, ông đề xuất bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, loại bỏ hoàn toàn các dòng điều hòa dân dụng dưới 90.000 BTU khỏi danh mục chịu thuế.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp – đánh giá cao việc dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến và miễn thuế với điều hòa dưới 18.000 BTU. Tuy nhiên, ông đề nghị nâng mức miễn thuế lên 24.000 BTU, vì theo thực tế sử dụng ở các đô thị, nhiều hộ gia đình đang dùng điều hòa công suất này để làm mát chung cho nhiều phòng nhằm tiết kiệm chi phí.
Cùng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng điều hòa đã trở thành mặt hàng thiết yếu, không còn là xa xỉ phẩm nên không phù hợp để áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông cảnh báo rằng việc đánh thuế sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong nước, làm giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, đồng thời tăng chi phí đầu tư của các đơn vị hành chính, sản xuất.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc áp thuế nên căn cứ theo tính chất sử dụng thay vì chỉ dựa trên công suất. Theo ông, cần xem xét loại bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Nguồn: Báo Người Lao động
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN