Ngày 15-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Ấn Độ đã đề xuất một thỏa thuận thương mại không áp thuế với Mỹ, trong bối cảnh Washington đang tạm hoãn áp thuế đối ứng lên nhiều quốc gia để thúc đẩy đàm phán song phương.

Phát biểu trước các giám đốc doanh nghiệp tại Doha (Qatar), ông Trump nhấn mạnh rằng Ấn Độ đang tích cực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại nhằm tránh mức thuế đối ứng 26% mà Mỹ dự kiến áp dụng. “Rất khó để bán hàng ở Ấn Độ, và họ đang đề nghị với chúng tôi một thỏa thuận mà về cơ bản là họ sẵn sàng không áp thuế”, ông Trump nói.
Trước đó, vào ngày 9-4, chính quyền Mỹ đã quyết định tạm hoãn áp thuế cao lên Ấn Độ và một số đối tác thương mại khác, nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán. Động thái này được giới quan sát nhận định là nhằm tạo cơ hội đạt được các thỏa thuận song phương mang tính “có đi có lại”.
Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở khu vực Nam Á, với kim ngạch song phương năm 2024 đạt khoảng 129 tỉ USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại nghiêng mạnh về phía New Delhi, với thặng dư gần 45,7 tỉ USD.
Trong khi đó, Campuchia cũng đang nỗ lực đàm phán để tránh mức thuế cao ngất ngưởng 49% mà Mỹ đe dọa áp dụng. Cùng ngày 15-5, chính phủ nước này cho biết đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên với phía Mỹ tại Washington.
Thông cáo của Chính phủ Campuchia cho biết hai bên đã trao đổi “thẳng thắn và mang tính xây dựng” về các biện pháp tăng cường thương mại và đầu tư. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6.
Với xuất khẩu sang Mỹ chiếm 37,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024, tương đương gần 10 tỉ USD, Campuchia đang đối mặt với nhiều rủi ro nếu không đạt được thỏa thuận. Các ngành dệt may và giày dép – vốn là trụ cột xuất khẩu của nước này – sẽ chịu tác động nặng nề nếu mức thuế 49% được chính thức áp dụng.
Trước những rủi ro này, Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Campuchia từ “ổn định” xuống “tiêu cực” hồi tháng 4, với lý do các chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây suy giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Những diễn biến mới nhất cho thấy các quốc gia đang tích cực tìm kiếm giải pháp thương mại song phương với Mỹ nhằm tránh rơi vào vòng xoáy bảo hộ thương mại, trong bối cảnh chính quyền Trump đang theo đuổi chiến lược “thương mại có điều kiện” để cân bằng thâm hụt và bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Mỹ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN