Một số quốc gia nhìn thấy cơ hội giữa cơn địa chấn thuế quan của Mỹ

Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế đối ứng sâu rộng lên hàng chục đối tác thương mại, gây chấn động thị trường toàn cầu, một số quốc gia bắt đầu nổi lên như những bên có thể hưởng lợi từ chính sách cứng rắn này.
Khi các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay Hàn Quốc phải gánh mức thuế từ 20% trở lên, thì những nước như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Kenya lại đang âm thầm đón nhận những cơ hội mới.
Brazil, Ấn Độ và những cái tên đang “lên hương”
Brazil, một cường quốc nông nghiệp, là quốc gia hiếm hoi chỉ bị áp thuế 10%. Việc Trung Quốc phản đòn bằng cách áp thuế vào nông sản Mỹ khiến Brazil trở thành nguồn thay thế tiềm năng. Là nước nhập siêu từ Mỹ, Brazil cũng có vị thế thuận lợi để tận dụng làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ấn Độ, dù bị áp thuế 26%, vẫn kỳ vọng chen chân vào các lĩnh vực như dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng – những ngành đang chịu tác động nặng từ thuế suất cao với Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh. Một báo cáo nội bộ của chính phủ Ấn Độ cho rằng nước này có thể mở rộng thị phần xuất khẩu sang Mỹ, thậm chí giành được một phần lớn hơn trong chuỗi cung ứng iPhone khi Apple rút khỏi Trung Quốc.
Cơ hội cho các nền kinh tế nhỏ hơn
Các nước có thâm hụt thương mại với Mỹ như Maroc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore có thể tránh được “cú đánh mạnh” từ mức thuế cao. Maroc hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do với Mỹ và mức thuế thấp, tuy nhiên, các dự án đầu tư lớn từ Trung Quốc – như khoản 6,5 tỉ USD của Gotion để xây nhà máy pin – có thể khiến nước này lọt vào tầm ngắm của Washington.
Tại Ai Cập, đại diện ngành dệt may cho biết mức thuế của Mỹ tuy có, nhưng vẫn thấp hơn các đối thủ như Trung Quốc, Việt Nam hay Bangladesh. Tình huống tương tự xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia từng bị Mỹ áp thuế nhôm thép – nhưng hiện nay lại có lợi thế khi các đối thủ cạnh tranh chịu mức thuế cao hơn.
Kenya cũng hy vọng tận dụng lợi thế, đặc biệt trong ngành dệt may – khi các quốc gia xuất khẩu chính bị đánh thuế nặng, còn Kenya lại có cán cân thương mại thặng dư với Mỹ.
Singapore: Cơ hội trong thử thách
Singapore, trung tâm tài chính khu vực, chứng kiến chỉ số chứng khoán Straits Times lao dốc 7,5% trong một phiên – mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng 2008. Tuy vậy, với môi trường đầu tư ổn định và chính sách thuế tương đối thấp, đảo quốc này vẫn có cơ hội thu hút dòng vốn bị chuyển hướng khỏi các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Dù vậy, các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa có thể là rào cản lớn.
Không có người chiến thắng tuyệt đối
Dù một số quốc gia có thể tận dụng tình thế, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu kinh tế Mỹ hoặc toàn cầu rơi vào suy thoái, sẽ không có bên nào thực sự thắng cuộc. Nhà kinh tế Selena Ling từ ngân hàng OCBC nhận định: “Đây chỉ là tương đối. Không ai thắng nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp trục trặc”.
Tại Nam Mỹ, cuộc khủng hoảng thuế quan có thể là chất xúc tác thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa khối Mercosur và EU – vốn bị trì hoãn nhiều năm. Nếu một thỏa thuận được hoàn tất, Brazil có thể là quốc gia hưởng lợi lớn nhất.
Còn với Mexico – quốc gia từng bị ông Trump chỉ trích nặng nề trong nhiệm kỳ đầu – phần lớn thương mại hiện vẫn nằm trong khuôn khổ hiệp định USMCA, bảo vệ nước này khỏi làn sóng thuế mới. Đây cũng là bằng chứng cho thấy, trong thế giới biến động này, hiệp định thương mại vững chắc vẫn là một tấm lá chắn hữu hiệu.
Nguồn: Báo Tiền phong
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN