Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu hai phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyển nhượng bất động sản: tính 20% trên phần lợi nhuận hoặc giữ nguyên cách tính 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng như hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, nếu có đủ cơ sở dữ liệu để xác định chính xác giá mua và các chi phí hợp lệ, mức thuế 20% sẽ được áp dụng trên phần thu nhập thực tế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng. Trường hợp không xác định được giá vốn, thuế sẽ tiếp tục tính 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng như quy định hiện tại.

Vấn đề cũ, tranh luận mới
Việc tính thuế TNCN theo lợi nhuận thực tế không phải là đề xuất mới. Luật Thuế TNCN năm 2007 từng quy định mức 25% trên phần lãi, và phương án 2% trên tổng giá chuyển nhượng nếu không xác định được giá vốn. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc xác minh giá mua và các chi phí liên quan, từ năm 2015, phương pháp tính 2% được áp dụng rộng rãi.
Tuy vậy, cách tính này ngày càng bộc lộ bất cập. Nhiều người bán dù không có lãi hoặc thậm chí bị lỗ vẫn phải nộp thuế, gây cảm giác bất công. Ngược lại, một số trường hợp khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế để trốn thuế, khiến Nhà nước thất thu và thị trường bị méo mó.
Hiện nay, Bộ Tài chính cho biết đã có thể tra cứu lịch sử giao dịch bất động sản từ năm 2018, mở ra khả năng trở lại phương án đánh thuế dựa trên lợi nhuận – vốn được xem là tiệm cận đúng bản chất của sắc thuế TNCN. Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc kỹ thuật trong xác định giá vốn và chi phí được trừ.
Khó khả thi trong điều kiện hiện tại
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng nên loại bỏ cách tính thuế TNCN theo tỷ lệ 2% vì không phản ánh đúng nguyên tắc “có thu nhập mới chịu thuế”. Theo ông, nếu áp dụng đánh thuế trên phần lợi nhuận, Nhà nước cần xác định được đầy đủ và chính xác các chi phí hợp lệ như trượt giá, lạm phát, chi phí xây dựng, lãi vay… Tuy nhiên, việc này hiện vẫn còn nhiều rào cản về dữ liệu, chứng từ và cơ chế giám sát.
Ở góc độ chuyên gia pháp lý, thạc sĩ Danh Phạm Mỹ Duyên (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định, đánh thuế theo lợi nhuận là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và nguyên tắc công bằng thuế. Tuy nhiên, việc triển khai ngay tại Việt Nam vẫn chưa khả thi. Bà Duyên chỉ ra rằng, hợp đồng mua bán hiện nay vẫn tồn tại phổ biến tình trạng “hai giá”, cùng với các giao dịch cũ, không có hóa đơn hoặc thanh toán bằng tài sản khác, khiến việc xác định giá vốn trở nên khó khăn. Ngoài ra, các chi phí như sửa chữa, môi giới, chi phí vay vốn cũng khó chứng minh nếu không có đầy đủ chứng từ hợp lệ.
Giữ phương pháp cũ để đảm bảo tính đơn giản?
Ngược lại, ông Nguyễn Văn Hùng – một nhà đầu tư bất động sản lâu năm – lại ủng hộ phương án thu thuế 2% như hiện nay. Ông cho rằng cách tính này đơn giản, dễ áp dụng và phản ánh được tính “rủi ro thị trường” mà nhà đầu tư phải tự chấp nhận. Ông Hùng cũng chỉ ra rằng, nếu xét trong dài hạn, bất động sản gần như luôn tăng giá, và với nhiều người bán, khoản thuế 2% là chi phí có thể chấp nhận được, miễn là không phát sinh thủ tục phức tạp khi kê khai.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng online
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN