Việc đánh thuế bất động sản, đặc biệt là bất động sản thứ hai, đang trở thành đề tài thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Trong khi nhiều chuyên gia đồng tình và xem đây là công cụ điều tiết thị trường hiệu quả, vẫn còn không ít ý kiến bày tỏ sự thận trọng trước thời điểm và cách thức triển khai.

Nhiều chuyên gia ủng hộ cho rằng việc đánh thuế bất động sản thứ hai có thể giúp giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ, đồng thời góp phần phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, ổn định và bền vững. Bà Cao Thị Thanh Hương, quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills, nhận định việc áp dụng thuế với bất động sản thứ hai sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực xã hội và hạn chế tình trạng nhà đất bị bỏ hoang.
Theo bà Hương, thuế bất động sản sở hữu ba chức năng nổi bật: tăng thu ngân sách để phục vụ an sinh xã hội, kiểm soát nguồn tài nguyên đất đai thông qua nghĩa vụ tài chính đối với người sở hữu nhiều nhà đất, và đảm bảo tính minh bạch trong nguồn thu thuế, tránh thất thu do khó trốn thuế. Ngoài ra, thuế bất động sản không bị giới hạn bởi các hiệp định quốc tế nên dễ dàng hơn trong hoạch định tài khóa.
Dù vậy, bà Hương cũng cảnh báo những thách thức lớn như chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ số hóa dữ liệu bất động sản, minh bạch hóa giá trị giao dịch và quyền sở hữu. Việc xác định mức thuế hợp lý cũng đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng để không tạo ra gánh nặng cho người dân.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản Toàn Cầu, cho rằng cần áp thuế với bất động sản từ căn nhà thứ hai trở đi nhằm đảm bảo công bằng xã hội, hạn chế đầu cơ và tăng nguồn thu cho ngân sách. Theo ông, những người sở hữu nhiều bất động sản thường có thu nhập cao và việc đánh thuế sẽ hạn chế tình trạng “găm hàng” đẩy giá bất động sản lên cao.
Về mặt pháp lý, luật sư Đỗ Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Luật Bất động sản Hưng Vượng, cho biết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu định hướng áp dụng mức thuế cao hơn với những trường hợp sử dụng nhiều đất, đầu cơ và bỏ hoang đất đai. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có luật thuế bất động sản riêng, nên việc nghiên cứu xây dựng chính sách này là cần thiết và phù hợp với bối cảnh thực tế.
Theo luật sư Khoa, điều quan trọng là phải xác định rõ đối tượng chịu thuế, cách tính thuế dựa trên diện tích và loại đất sử dụng. Ví dụ, sở hữu 100m² đất ở thành phố có thể đã là nhiều, nhưng ở nông thôn, con số này có thể phải lên tới 500m². Đồng thời, cần phân biệt giữa các loại đất ở, đất nông nghiệp, đất rừng để áp dụng mức thuế phù hợp.
Về cách thức áp dụng, ông Khoa đề xuất phương án thuế theo bậc thang giống như thuế thu nhập cá nhân. Người sở hữu bất động sản vượt hạn mức quy định sẽ chịu mức thuế suất tăng dần theo từng bậc. Ngoài ra, cần định nghĩa rõ thế nào là hành vi “đầu cơ đất” hoặc “lướt sóng” trong thời gian ngắn để áp dụng mức thuế cao hơn với các trường hợp này.
Với nhiều ý kiến đồng thuận về chủ trương nhưng cũng không ít thách thức trong khâu thực thi, việc đánh thuế bất động sản thứ hai đang đòi hỏi một lộ trình nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo vừa kiểm soát đầu cơ, vừa không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản và người dân.
Nguồn: CAND.com.vn
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN