Dù không nằm trong danh sách các quốc gia bị Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng trong chính sách “ngày giải phóng” đầu tháng này, nền kinh tế Nga vẫn chịu ảnh hưởng gián tiếp từ dư chấn thuế quan – đặc biệt là qua kênh giá dầu.

Kể từ khi Mỹ công bố loạt thuế mới, giá dầu thô toàn cầu đã lao dốc do lo ngại suy thoái kinh tế. Giá dầu Urals của Nga hiện dao động quanh ngưỡng 55 USD/thùng – thấp hơn đáng kể so với mức 70 USD mà Moskva kỳ vọng. Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã buộc phải điều chỉnh dự báo giá dầu trung bình năm nay xuống chỉ còn 56 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Sự sụt giảm này khiến ngành dầu khí Nga – vốn chiếm hơn 30% ngân sách nhà nước – bị tổn hại nghiêm trọng. Theo chuyên gia Sergey Vakulenko, chỉ cần giá dầu giảm 10 USD/thùng, Nga có thể mất khoảng 25 tỷ USD mỗi năm.
Doanh thu từ dầu khí giảm không chỉ làm ngân sách thêm áp lực, mà còn kéo theo hệ quả là thiếu hụt ngoại tệ, khiến đồng ruble suy yếu. Trong bối cảnh lạm phát nội địa đang lên tới 10%, giá hàng nhập khẩu như ôtô, quần áo, thiết bị công nghệ dự báo sẽ còn tăng mạnh.
Tình trạng thâm hụt ngân sách của Nga vì thế ngày càng nghiêm trọng. Trong quý I/2025, ngân sách Nga đã âm khoảng 25,5 tỷ USD – tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo cả năm, thâm hụt có thể tăng gần gấp đôi do doanh thu dầu khí sụt giảm gần 10% còn chi tiêu lại tăng tới 25%, theo Moscow Times.
Các nhà phân tích cảnh báo nếu giá dầu giữ ở mức thấp, tăng trưởng GDP Nga năm 2025 có thể chỉ đạt 0,1%, so với mức 4% trong hai năm trước đó. Nguy cơ suy thoái đang hiện hữu, trong khi Điện Kremlin vẫn theo đuổi cuộc chiến tại Ukraine và phải cân đối chi ngân sách giữa quốc phòng và phúc lợi dân sinh.
Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là đòn bẩy chiến lược từ chính quyền Trump nhằm gây áp lực buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán. Việc Mỹ tăng khai thác dầu và phối hợp với Saudi Arabia đẩy giá xuống được cho là bước đi có tính toán. Keith Kellogg – đặc phái viên của ông Trump – từng nhận định giá dầu ở mức 45 USD/thùng có thể khiến Nga buộc phải thay đổi toan tính về Ukraine.
Dù chưa bị trực tiếp nhắm đến trong cuộc chiến thuế quan, giới chức Nga thừa nhận những rủi ro ngày càng rõ rệt. Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo chiến tranh thương mại toàn cầu có thể khiến nhu cầu năng lượng sụt giảm mạnh. Điện Kremlin cũng thừa nhận “không thể miễn nhiễm với tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu” và đang cố gắng duy trì ổn định trong điều kiện bị trừng phạt liên tục.
Tuy nhiên, nếu đà lao dốc giá dầu tiếp diễn, các lựa chọn tài chính của Moskva sẽ ngày càng thu hẹp – một thực tế mà các nhà hoạch định chính sách Nga không thể bỏ qua.
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN