Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ pháp lý ghi nhận quyền được hoạt động kinh doanh của tổ chức. Trường hợp kinh doanh không có giấy phép bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Vậy Ai có thẩm quyền kiểm tra giấy phép kinh doanh? Kế toán kiểm toán ACC xin giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
1. Giấy phép kinh doanh là gì?
Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp, theo đó: Doanh nghiệp có nghĩa vụ “Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh”.
Như vậy có thể hiểu, khi một doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có điều kiện thì phải đáp ứng đủ các điều kiện đó và phải có 02 loại giấy phép sau để đi vào hoạt động: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh.
Giấy phép kinh doanh là loại giấy phép dành cho doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, cần phân biệt rõ với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện lại có những loại giấy phép kinh doanh khác nhau.
2. Ai có thẩm quyền kiểm tra giấy phép kinh doanh?
Trong phạm vi bài viết này, do không thể đề cập được đầy đủ các loại giấy phép, chúng tôi xin đề cập một số loại giấy phép sau:
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
Căn cứ theo khoản 3 Điều 50 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về kiểm tra, thanh tra: Cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất.
– Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm:
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 5 Thông tư 17/2023/TT-BYT quy định về cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm như sau:
- Cục An toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn về thực phẩm trên phạm vi cả nước.
- Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa bàn cấp huyện; giao Phòng Y tế, Trung tâm Y tế hoặc Cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn;
- Ủy ban nhân dân cấp xã, Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn xã.
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy:
Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, cơ quan công an quản lý cơ sở trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tóm lại, thẩm quyền kiểm tra giấy phép kinh doanh thuộc về chính cơ quan cấp giấy phép và theo phân cấp theo địa bàn.
3. Hướng dẫn tra cứu giấy phép kinh doanh
Việc tra cứu giấy phép kinh doanh sẽ tuỳ thuộc theo cơ quan bộ ngành quản lý giấy phép. Theo đó với từng loại giấy phép sẽ có cách tra cứu khác nhau nhưng nhìn chung đều theo cách thức sau:
Bước 1: Truy cập vào Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý.
Bước 2: Tại phần “Tra cứu giấy phép/giấy chứng nhận…” nhập thông tin doanh nghiệp (tên, mã số doanh nghiệp) hoặc tìm theo tên sản phẩm. Nhấn vào ô “Tìm kiếm”.
Bước 3: Thông tin giấy phép kinh doanh sẽ được hiển thị đầy đủ nếu thoả mãn 02 điều kiện sau:
– Cơ quan đã cập nhật đầy đủ dữ liệu tính đến thời điểm tra cứu;
– Cơ sở đã được cấp giấy phép kinh doanh tương ứng.
4. Câu hỏi thường gặp
Giấy phép kinh doanh có thời hạn bao lâu?
Tuỳ thuộc từng loại giấy phép kinh doanh sẽ có thời hạn khác nhau, ví dụ:
– Giấy phép kinh doanh đồ uống có cồn thường có thời hạn 5 năm;
– Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế cấp) có giá trị trong vòng 3 năm.
– Giấy cam kết bảo vệ môi trường (Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp) có hiệu lực 3 năm với cơ sở kinh doanh hóa chất độc hại và 5 năm với cơ sở không kinh doanh hóa chất độc hại.
Kinh doanh xăng dầu không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không có giấy phép bị xử phạt từ 40 đến 60 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 20 Nghị định 99/2020/NĐ-CP.
Trên đây là bài viết của Kế toán kiểm toán ACC về Ai có thẩm quyền kiểm tra giấy phép kinh doanh? Có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ vui lòng liên hệ chúng tôi qua website.