Luật kế toán là một hệ thống quy tắc và nguyên tắc quản lý tài chính trong các tổ chức và doanh nghiệp. Phạm vi điều chỉnh của luật kế toán bao gồm việc xác định các nguyên tắc kế toán cơ bản, nguyên tắc ghi chép, báo cáo tài chính, và quy định về kiểm toán. Luật kế toán giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng, và chính xác trong quản lý tài chính, góp phần quản lý hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong môi trường kinh doanh. Dưới đây Công ty Kế toán Kiểm toán Thuế ACC sẽ giải đáp thắc mắc của bạn về phạm vi điều chỉnh của luật kế toán.
Luật Kế toán được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 tại kỳ họp thứ 10. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 04/12/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Luật gồm 06 chương, 74 điều, trong đó quy định những vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật kế toán năm 2003, Luật năm 2015 bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm: “… nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán”.
Về đối tượng áp dụng, Luật năm 2015 đã bổ sung: các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước); kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp dịch vụ kế toán.
Thứ hai, về đối tượng kế toán
Điều 8, Luật Kế toán năm 2015 quy định đối tượng kế toán bao gồm: Nhóm đối tượng kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, hành chính, sự nghiệp; Nhóm đối tượng kế toán thuộc hoạt động của đơn vị, tổ chức không sử dụng ngân sách nhà nước; Nhóm đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh; Nhóm đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính.
Thứ ba, về nguyên tắc kế toán
Luật Kế toán quy định, ngoài việc hạch toán theo giá gốc, một số tài sản còn được hạch toán theo giá trị hợp lý (có ý nghĩa là hạch toán theo giá thực tế của tài sản đó). Theo đó giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính. Do việc xác định và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật, vì vậy Luật giao Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
Thứ tư, về chuẩn mực kế toán
Luật năm 2015 bổ sung “chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp” (Điều 7): gồm những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Việc bổ sung quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán giúp cho người làm kế toán, người kinh doanh dịch vụ kế toán đảm bảo tuân thủ quy định chung của nghề nghiệp kế toán.
Thứ năm, về chế độ kế toán
Theo quy định của Luật Kế toán năm 2015, chế độ kế toán bao gồm các nội dung: Chứng từ kế toán; Tài khoản kế toán và sổ kế toán; Báo cáo tài chính. Để cụ thể hóa các nội dung này, Luật đã quy định rõ về chứng từ kế toán, lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán, hóa đơn bán hàng, quản lý, sử dụng chứng từ kế toán,…; Tài khoản kế toán và sổ kế toán; lựa chọn và áp dụng hệ thống tài khoản kế toán; Sổ kế toán và hệ thống sổ kế toán; việc lựa chọn và áp dụng hệ thống sổ kế toán; Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán, sửa chữa sổ kế toán,…; Các loại báo cáo tài chính, lập báo cáo tài chính, thời hạn nộp báo cáo tài chính, nội dung công khai báo cáo tài chính, hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính, kiểm toán báo cáo tài chính,…
Thứ sáu, về các hành vi bị cấm
Luật Kế toán năm 2015 bổ sung các hành vi bị cấm, bao hàm tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong quá trình thực hiện luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm. Theo đó, các hành vi được bổ sung, gồm: Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán; Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật; Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình; Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật,….
Thứ bảy, về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ
Luật năm 2015 bổ sung quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác kế toán.
– Về kiểm soát nội bộ: Luật quy định đơn vị phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ để bảo đảm tài sản của đơn vị được an toàn, tránh sử dụng sai mục đích, không hiệu quả; Các nghiệp vụ được phê duyệt đúng thẩm quyền và được ghi chép đầy đủ làm cơ sở cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý.
– Về kiểm toán nội bộ: Luật quy định kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ. Đồng thời quy định nhiệm vụ cụ thể của kiểm toán nội bộ và giao Chính phủ quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Thứ tám, về trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán và kế toán trưởng.
Luật năm 2015 bổ sung trách nhiệm người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán bao gồm: Chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình; Tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới; trách nhiệm của kế toán trưởng phải lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Thứ chín, về kinh doanh dịch vụ kế toán
Luật năm 2015 bổ sung quy định về “kế toán viên hành nghề” là người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của Luật. Theo đó người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên: Có năng lực hành vi dân sự; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học; Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức sẽ đăng ký hành nghề và được công nhận là kế toán viên hành nghề .
Luật năm 2015 còn quy định rõ hơn về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Theo đó, đối với doanh nghiệp phải có ít nhất 2 người là kế toán viên hành nghề, đối với cá nhân phải thành lập hộ kinh doanh và cá nhân đó phải là kế toán viên hành nghề.
Ngoài ra, Luật năm 2015 còn bổ sung các quy định về điều kiện, hồ sơ, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính; Quy định rõ về trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; Quy định các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán; Quy định các trường hợp bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán, bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và bị đình chỉ hành nghề đối với kế toán viên hành nghề.
Luật Kế toán năm 2015 được ban hành xác định kế toán là công cụ để phản ánh biến động nguồn vốn, tài sản của quốc gia, của mỗi doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức một cách đầy đủ, chính xác, trung thực; tăng cường tính công khai, minh bạch và giám sát việc thực thi pháp luật.Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hình thành từng bước cơ chế chính sách, công cụ quản lý kinh tế – xã hội.