Hướng dẫn cách điều chỉnh tờ khai thuế GTGT? Việc điều chỉnh tờ khai thuế GTGT là bước quan trọng giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tối ưu hóa khấu trừ. Thông qua quy trình này, họ có thể đảm bảo sự chính xác và hiệu quả trong việc khai báo các khoản thuế, đồng thời giảm thiểu rủi ro kiểm tra từ cơ quan thuế. Sau đây Công ty Kế toán Kiểm toán Thuế ACC sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh tờ khai thuế GTGT.
1. Thuế GTGT được khấu trừ đầu vào thế nào?
Tại điểm đ khoản 6 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Theo đó, cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất;
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu hàng hoá, dịch vụ bán ra;
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ;
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ;
– Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Đồng thời, tại khoản 8 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định về nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào “Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.”
Như vậy, thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ (tháng/quý) nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ (tháng/quý) đó. Nếu cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế
2. Hướng dẫn tờ khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT
Tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:
– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.
– Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật Quản lý thuế 2019.
– Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
+ Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật Quản lý thuế 2019;
+ Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.
– Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế bao gồm:
+ Tờ khai bổ sung;
+ Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan.
– Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Đồng thời, khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
“4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:
a) Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.
b) Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).
Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.”
Như vậy:
– Hồ sơ khai thuế nộp cho cơ quan thuế có đánh dấu “Lần đầu” gọi là hồ sơ khai thuế chính thức. Hồ sơ khai bổ sung được tính từ hồ sơ tiếp theo của hồ sơ khai thuế lần đầu đã được chấp nhận.
– Chỉ tiêu: “22-Thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang” trên hồ sơ khai thuế của kỳ thuế tiếp theo bằng với chỉ tiêu: “43-Thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau” trên tờ khai lần đầu đối với tờ khai 01/GTGT hoặc chỉ tiêu: “32-Thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn kỳ trước chuyển sang” bằng với chỉ tiêu: “21-Thuế giá trị gia tăng đầu vào của dự án đầu tư chưa được hoàn chuyển kỳ sau đối với tờ khai 02/GTGT.
– Hóa đơn GTGT đầu vào các kỳ trước bị sai, sót chưa kê khai thì người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019, kê khai bổ sung vào kỳ kê khai (tháng, quý) tương ứng với thời điểm phát sinh hóa đơn.
Ví dụ: Người nộp thuế phát hiện hóa đơn GTGT đầu vào tháng 10/2022 chưa kê khai thì thực hiện kê khai bổ sung tờ khai tháng 10/2022 hoặc quý IV/2022 đối với người nộp thuế kê khai thuế GTGT theo quý.
Sau khi khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai số thuế GTGT chênh lệch tương ứng vào các chỉ tiêu: “Điều chỉnh tăng”, “Điều chỉnh giảm” trên hồ sơ khai thuế chính thức của kỳ tính thuế hiện tại.
3. Các lỗi sai thường gặp trong tờ khai thuế GTGT:
- Lỗi về thông tin chung:
Nhập sai mã số thuế, tên doanh nghiệp, địa chỉ.
Ký tên, đóng dấu không hợp lệ.
Khai sai kỳ tính thuế.
- Lỗi về số liệu:
Sai số liệu doanh thu, thuế GTGT đầu vào, đầu ra.
Nhập sai mã số, ký hiệu của hóa đơn.
Sai số liệu trong các bảng kê khai chi tiết.
- Lỗi về trình bày:
Bố cục tờ khai không rõ ràng, thiếu sót thông tin.
Chữ viết không rõ ràng, khó đọc.
Sửa chữa, tẩy xóa nhiều.
- Lỗi về nội dung:
Khai sai đối tượng chịu thuế GTGT.
Khai sai tỷ lệ thuế GTGT.
Không khai báo đầy đủ các khoản thuế GTGT.
Khai khống, kê khống hóa đơn.
- Lỗi về thủ tục:
Nộp tờ khai quá hạn.
Nộp tờ khai không đúng nơi quy định.
Nộp tờ khai không đầy đủ hồ sơ.
- Ngoài ra, còn có một số lỗi sai khác như:
Sử dụng sai mẫu tờ khai.
Khai thiếu hoặc khai sai các thông tin liên quan đến khấu trừ thuế GTGT.
Khai sai số dư thuế GTGT kỳ trước.
4. Thời hạn kê khai điều chỉnh tờ khai thuế GTGT
Căn cứ Điều 47, Luật Quản lý thuế số: 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019 có quy định kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:
Khi phát hiện hồ sơ đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì người nộp thuế được phép khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót, nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra và kiểm tra;
Người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế kể cả khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ra công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;
Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban bố kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, làm giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc làm giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;
Trong trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót nếu việc khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.