Thu hồi giấy phép kinh doanh là một vấn đề quan trọng, phản ánh sự can thiệp của cơ quan chức năng khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động không hiệu quả. Vậy Khi nào bị thu hồi giấy phép kinh doanh? Mời quý khách hàng đón đọc bài viết của Kế toán kiểm toán ACC để có dự phòng cho trường hợp này.
1. Khi nào bị thu hồi giấy phép kinh doanh?
1.1. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Căn cứ Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
– Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này thành lập;
– Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
– Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
– Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
1.2. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Theo khoản 1 Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo;
– Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và Cơ quan thuế;
– Kinh doanh ngành, nghề bị cấm;
– Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập;
– Hộ kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
– Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
2. Trình tự thu hồi giấy phép kinh doanh
2.1. Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo
Bước 1: Phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi văn bản đề nghị cơ quan công an xác định hành vi giả mạo giấy tờ. Cơ quan công an cũng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về kết quả xác minh theo đề nghị của phòng đăng ký kinh doanh. Thời hạn trả lời văn bản là 30 ngày tính từ thời điểm nhận được văn bản đề nghị.
Bước 2: Sau khi đã có những kết luận từ Cơ quan công an, Phòng đăng ký kinh doanh tiến hành thu hồi Giấy phép kinh doanh theo các thủ tục sau:
- Nếu hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp là giả mạo, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp, đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nếu hồ sơ đăng ký về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp, đồng thời hủy bỏ tất cả quyết định về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp giả mạo. Bên cạnh đó, cơ quan cũng sẽ khôi phục Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với hồ sơ hợp lệ gần nhất, gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
2.2. Cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
– Đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH một thành viên, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp, đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại, bao gồm cả công ty TNHH một thành viên nhưng do tổ chức là chủ sở hữu, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp thay đổi thành viên/cổ đông thuộc đối tượng cấm thành lập doanh nghiệp. Thời hạn thay đổi thành viên là 30 ngày, quá thời hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa thay đổi thành viên/cổ đông thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về hành vi vi phạm, kèm theo đó là quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.
2.3. Doanh nghiệp đã ngừng hoạt động kinh doanh trong 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế
Đối với trường hợp không thực hiện thông báo ngừng kinh doanh, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo bằng văn bản về việc vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở để giải trình. Nếu sau 10 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được thông báo mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không đến, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện việc ra quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.
2.4. Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật doanh nghiệp 2020
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ thời điểm kết thúc thời hạn báo cáo, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm của doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở để giải trình. Nếu sau 10 ngày không có sự có mặt của người đại diện theo pháp luật như đã yêu cầu, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ trực tiếp ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2.5. Doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính
Trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy phép kinh doanh của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế theo quy định tại khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Nếu sau 10 ngày làm việc không có sự xuất hiện của cá nhân được yêu cầu, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Thu hồi Giấy phép kinh doanh có được đăng ký lại?
Theo quy định tại Điều 76 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp/hộ kinh doanh được khôi phục tình trạng pháp lý trong các trường hợp sau:
– Phòng Đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của Cơ quan quản lý thuế đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế nợ thuế trong trường hợp doanh nghiệp chưa chuyển sang tình trạng pháp lý đã giải thể trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Hộ kinh doanh khi muốn khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cần phải có văn bản của Cơ quan quản lý thuế đề nghị hủy bỏ quyết định thu hồi do cưỡng chế nợ thuế với hộ kinh doanh.
4. Câu hỏi thường gặp
Xử phạt khi đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh sau khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bị phạt hành chính từ 50.000.000 – 100.000.000 đồng.
Doanh nghiệp có bị thu hồi giấy phép con sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
Có. Một khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tức là đã không còn tư cách pháp nhân, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất tư cách tham gia các hoạt động kinh doanh. Vậy nên cơ quan cấp giấy phép sẽ thu hồi giấy phép con song song với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đơn vị nào có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định, Phòng ĐKKD có nhiệm vụ và quyền hạn thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh có buộc phải giải thể?
Sau khi nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục giải thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, trừ những trường hợp có quy định khác tại Luật Quản lý thuế.
Trên đây là toàn bộ thông tin về Khi nào bị thu hồi giấy phép kinh doanh? mà Kế toán kiểm toán ACC muốn cung cấp đến bạn. Hy vọng với những thông tin này đã giúp bạn có định hướng kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật.